Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Hỏi - Đáp với Bác sĩ Trần Thị Kim Nguyệt - chuyên Phụ khoa

Bác sĩ phụ khoa Trần Thị Kim Nguyệt - Trung tâm chăm sóc sức khỏe Care 1 - TP. HCM

1/ HỎI: Tôi 37 tuổi. Khoảng 6 tháng gần đây, nơi ấy của tôi khá nặng mùi. Tôi đã đi khám phụ khoa và kết quả bình thường. Tôi đã dùng băng vệ sinh hàng ngày, vệ sinh thường xuyên, song vẫn không khả quan. Bác sỹ có thể tư vấn cho tôi cách giải quyết, cảm ơn bác sỹ.

BÁC SĨ TƯ VẤN: Từ độ tuổi trưởng thành người phụ nữ bắt đầu có dịch tiết âm đạo.
Dịch tiết âm đạo là một chất màu trắng hơi sệt như bột, không có mùi hoặc hơi tanh, không gây triệu chứng khó chịu.
Bình thường dịch tiết âm đạo gồm tế bào âm đạo đã bong tróc, một số bạch cầu và một số trực khuẩn Doderlein, có thể có thêm một vài tạp khuẩn khác. Trực khuẩn Doderlein có đặc tính bảo vệ âm đạo, ngăn chặn các vi khuẩn gây bệnh khác phát triển..
Trong suốt độ tuổi sinh sản, vùng âm đạo vẫn được bảo vệ tốt nhờ tác dụng của estrogen, là chất cần trước hết cho trực khuẩn Doderlein. Một yếu tố lưu ý là những phụ nữ trên 35 tuổi rất hay mắc bệnh khí hư do tình trạng suy giảm nội tiết sinh dục.
Trường hợp bạn đã 37 tuổi và gần đây khí hư nặng mùi, khám phụ khoa kết quả bình thường, có thể gây ra do tình trạng tạp khuẩn âm đạo không biểu hiện triệu chứng viêm nhiễm. Trước tiên, bạn cần giữ vệ sinh sạch sẽ, dùng nguồn nước sạch, không thụt rửa âm đạo, chọn đồ lót thoáng mát. Nếu vẫn không cải thiện, bạn cần khám phụ khoa để bác sĩ điều trị phục hồi chủng Doderlein dể tái thiết lập môi trường bảo vệ cần thiết.

Theo báo Tiếp Thị Gia Đình số ra ngày 20/03/2015

2/ HỎITôi đang tập thể lực bằng phương pháp xung điện EMS (electrical muscle stimulation - mặc áo có dẫn điện vào người sau đó tập các động tác thể dục. Điện sẽ chạy sâu vào trong các thớ thịt giúp cơ bắp săn chắc). Phương pháp này tập 25 phút tác dụng bằng 4 giờ tập ở phòng gym. Gần đây, nếu tôi tập ngay ngày đầu bị "đèn đỏ" thì những ngày sau tôi ra rất ít, bụng trương lên vô cùng khó chịu, người rất mệt mỏi. Có phải phương pháp tập trên đã ảnh hưởng đến lượng kinh nguyệt của tôi?
(annguyen…@gmail.com)


BÁC SĨ TƯ VẤN: Hiện tượng hành kinh là kết quả những biến đổi ở nội mạc tử cung do tác động của các hormon sinh dục nữ thông qua sự kiểm soát của hệ thống thần kinh đối với buồng trứng. Chỉ cần một bất thường, dù nhỏ, trong họat động của buồng trứng, tử cung hay trục kiểm soát cũng  sẽ dẫn đến những bất thường của chu kỳ kinh nguyệt và hiện tượng hành kinh.

Kinh nguyệt bình thường kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày, một số trường hợp đến 7 ngày cũng được xem là bình thường. Lượng máu mất trung bình khoảng 80ml và có thể thay đổi theo mỗi cá nhân và độ tuổi.
Trong những ngày hành kinh, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, cường độ tập thể dục có liên quan đến thời gian kéo dài chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, chúng ta nên cần tránh các môn thể thao gắng sức nhưng vẫn có thể tiếp tục chơi những môn thể thao nhẹ như đi bộ, bóng bàn,..

Thep báo Tiếp Thị Gia Đình số ra ngày 2 tháng 2 năm 2015

3/ HỎI: Trước ngày có kinh vài ngày, 3-4 ngày, ngực tôi rất căng và đau nhức. Gần đây, tôi thường đau cả nửa tháng (từ sau khi rụng trứng 2-3 ngày). Liệu tôi có bị gì không?
 (thuhoang…@yahoo.com)


BÁC SĨ TƯ VẤN: Vú ở người trưởng thành đáp ứng với các thay đổi nồng độ nội tiết xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn sau rụng trứng đến trước khi có kinh, các ống và nhu mô vú tăng sinh dưới ảnh hưởng của nội tiết dẫn đến sự gia tăng thể tích vú trước kỳ kinh. Với sự bắt đầu của chu kỳ kinh, vú trở về kích thước nhỏ nhất vào ngày thứ 8 của chu kỳ.
Đau vú theo chu kỳ thường xuất hiện sau lứa tuổi 30 và kéo dài cho tới khi mãn kinh (thường thấy sưng vú, cảm giác nặng, có những u cục nhỏ và cảm giác căng đau ớ 1/4 trên ngoài của vú). Đau vú nhẹ trước kỳ kinh kéo dài dưới 7 ngày được xem như bình thường. nếu đau vú theo chu kỳ nặng hn và kéo dài hơn thì được xem là bất thường và cần được thăm khám với bác sĩ.

Theo báo Tiếp Thị Gia Đình số ra ngày 26 tháng 1 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét